`

 

PVLC Tuần Bát Nhật trước Lễ Giáng Sinh: Ngày 21-12 Thứ Ba và Thánh Phêrô Canisiô

Bài Ðọc I: Dc 2, 8-14

"Ðây người tôi yêu đến, nhảy qua núi".

Bài trích sách Diễm Ca.

Tiếng người tôi yêu, đây người đến, nhảy qua núi, băng qua đồi. Người tôi yêu giống như nai rừng, ví tựa hươu con. Ðó, người đứng sau vách nhà chúng tôi, ngó qua cửa sổ, nhìn vào chấn song.

Này người tôi yêu nói với tôi: "Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta! Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến! Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt. Trăm hoa đua nở trên đất chúng ta. Thời cắt tỉa đã đến, tiếng chim gáy véo von trên đất chúng ta. Cây vả sinh trái đầu mùa, vườn nho trổ hoa thơm ngát. Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến!

"Bồ câu ta trong hốc đá, trong kẹt ghềnh, hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót ở tai ta, vì tiếng mình êm ái, nét mặt mình xinh tươi".

Ðó là lời Chúa. 

Hoặc đọc bài này: Xp 3, 14-18a

"Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi".

Trích sách Tiên tri Xôphônia.

Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ngợi khen! Israel hỡi, hãy reo mừng! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy sung sướng và hết lòng hân hoan!

Chúa đã rút án phạt ngươi, đã xua đuổi quân thù. Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi, ngươi không còn lo sợ tai hoạ nào. Ngày ấy có tiếng bảo Giêrusalem: đừng sợ! và Sion, chớ buông thả đôi tay! Chúa là Thiên Chúa ngươi ở giữa ngươi, sẽ sung sướng vui mừng vì ngươi, sẽ thinh lặng trong niềm mến thương ngươi, sẽ hân hoan chúc mừng ngươi, như trong ngày đại lễ.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 11-12. 20-21

Ðáp: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, hãy ca mừng Người bài ca mới! (c. 1a và 3a).

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, và đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran. - Ðáp.

2) Ý định của Chúa tồn tại muôn đời; tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. - Ðáp.

3) Linh hồn chúng ta mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng ta. Bởi vậy lòng chúng ta hân hoan trong Chúa, chúng ta tin cậy ở thánh danh Người. - Ðáp. 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Vầng Ðông, là ánh sáng muôn dân và là mặt trời công chính, xin hãy đến chiếu soi những kẻ ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết! - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 1, 39-45

"Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave, và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà; và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Ðó là lời Chúa. 

 

 

Suy nghiệm Lời Chúa 

Nhập thể sinh động   

Theo thứ tự các bài Phúc Âm trong Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh từ ngày 17 đến hết 24/12, thì hai ngày đầu theo Phúc Âm Thánh Mathêu và 6 ngày cuối theo Phúc Âm Thánh Luca. 

Thật vậy, ngày 17 với bài Phúc Âm của Thánh Mathêu về gia phả của Chúa Giêsu, và ngày 18 với bài Phúc Âm của Thánh Mathêu về biến cố báo mộng cho Thánh Giuse về sự thật Mẹ Maria thụ thai Con Thiên Chúa. Và các bài Phúc Âm theo Thánh Luca cho những ngày còn lại là: ngày 19 về biến cố truyền tin cho vị tư tế thân phụ của thai nhi Gioan; ngày 20 về biến cố truyền tin Lời Nhập Thể cho Mẹ Maria; ngày 21 về biến cố Mẹ Maria đi thăm viếng thai mẫu của thai nhi Gioan; ngày 22 về Ca Vịnh Magnificat Ngợi Khen của Mẹ Maria; ngày 23 về biến cố hài nhi Gioan được hạ sinh, và ngày 24 về Ca Vịnh Benedictus Chúc Tụng của vị tư tế thân phụ Zacaria của hài nhi Gioan.  

Tuy nhiên, phụng vụ chu kỳ Năm C có một trùng hợp là bài Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Mùa Vọng và bài Phúc Âm cho ngày 21/12 bao giờ cũng trùng nhau, như trong năm 2015, nghĩa là cùng một bài Phúc Âm về biến cố Mẹ Maria đi thăm viếng Bà Thánh Isave cho cả 2 ngày này. 

Cho dù có trùng hợp nhưng cùng bài Phúc Âm về biến cố Mẹ Maria thăm viếng thai mẫu của thai nhi Gioan này vẫn mang một ý nghĩa khác nhau theo chung phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Vọng hay riêng ngày 21/12 trong Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh. 

Bài Phúc Âm cho ngày 21/12 trong Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh hôm nay được tiếp ngay sau bài Phúc Âm cho ngày 20/12, bài Phúc Âm về biến cố truyền tin Lời Nhập Thể cho Trinh Nữ Nazarét Maria. Nếu bài Phúc Âm này, trong Chúa Nhật IV Mùa Vọng (hôm qua - năm 2015) liên quan đến những tác dụng thần linh nơi cả thai mẫu lẫn thai nhi Gioan để chứng tỏ "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) trong cung dạ trinh nguyên của Mẹ Maria, thì bài Phúc Âm thăm viếng cho ngày 21/12 hôm nay liên quan đến tác dụng thần linh của Lời Nhập Thể nơi chính bản thân của Mẹ Maria, thai mẫu của Lời Nhập Thể.  

Thật vậy, nếu "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) và "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến ban Con Một của Ngài để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Gioan 3:16), thì một khi được diễm phúc thụ thai và cưu mang Người, mẹ của Người không thể không được thúc đẩy sống đức ái trọn hảo và để cho Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa tỏ hiện qua đời sống của mình, nơi từng lời nói cũng như nơi mỗi hành vi cử chỉ của mình. 

Chứng từ đầu tiên chứng tỏ thực sự "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) nơi Trinh Nữ Nazarét Maria và thực sự hiện diện thần linh trong cung dạ trinh nguyên của Vị Trinh Nữ diễm phúc này, đã được Thánh ký Luca diễn tả ở ngay câu đầu của Bài Phúc Âm hôm nay: "Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa...". 

Tác động "Maria chỗi dậy vội vã ra đi tiến lên miền núi", ngay sau biến cố truyền tin Lời Nhập Thể và thụ thai Lời Nhập Thể của Vị Trinh Nữ diễm phúc này chứng tỏ trong Vị Trinh Nữ này có một cái gì hoàn toàn khác lạ và mới lạ, như thể người trinh nữ trẻ trung nghèo hèn quê mùa này đã thực sự được "Quyền Phép Đấng Tối Cao bao phủ" (Luca 1:35), đã được Thánh Linh chiếm đoạt và thôi thúc làm tất cả những gì yêu thương cứu độ như Con Thiên Chúa sẽ làm sau này theo tác động của cùng một Vị Thánh Linh. 

Thật vậy, theo kinh nghiệm tu đức cho thấy, tâm hồn nào được Thiên Chúa chiếm đoạt thì: trước hết, không thể ngồi yên, dửng dưng lạnh lùng, mà là ở chỗ, như Mẹ Maria trong bài Phúc Âm hôm nay: "chỗi dậy"; sau nữa, không thể chậm chạp, băn khoăn do dự, mà là ở chỗ, như Trinh Nữ Nazarét trong bài Phúc Âm hôm nay: "vội vã" mà không hấp tấp hơn là mau mắn; sau hết, không thể khép kín, lo âu ngần ngại, mà là ở chỗ, như bà mẹ trẻ vừa thụ thai trong bài Phúc Âm hôm nay: "ra đi", ra khỏi nhà của mình, ra khỏi con người của mình, và không phải "ra đi" đến một nơi nào gần gũi, mà là đi tới tận những miền xa xôi, những chỗ dốc dác khó đi khó tới nữa, đó là: "tiến lên miền núi". 

Chủ trương của vị giáo hoàng đương kim Phanxicô của Giáo Hội Công Giáo Rôma hiện nay hoàn toàn phản ảnh đúng tinh thần của vị thôn nữ Nazarét Maria trinh nguyên trong bài Phúc Âm hôm nay. Bởi vì, ngài luôn nhấn mạnh và thúc đẩy Giáo Hội chẳng những đừng khép kín, mà cần phải liên lỉ mở cửa đón nhận những tâm hồn đáng thương, chẳng những thế, còn phải xông pha ra đi lên đường tìm kiếm họ nữa, và không phải chỉ đi đến những nơi gần gần và dễ dàng, mà phải đến tận những nơi hẻo lánh xa xôi nhất (peripheries), về cả nhân bản lẫn địa dư, nghĩa là phải chú trọng tới những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô (xem Mathêu 25:40,45), cho dù Giáo Hội có bị lem luốc và bầm dập gây ra bởi những thứ xuyên tạc, chụp mũ, vu khống và bôi nhọ của thành phần bảo thủ thiên kiến đầy thiển cận và mù tối, như chính bản thân của ngài đã và đang trở thành nạn nhân của họ. 

Hình ảnh của vị thai mẫu trinh nguyên "Maria chỗi dậy vội vã ra đi tiến lên miền núi" để thực hiện một tác động đức ái trọn hảo trong bài Phúc Âm hôm nay ấy đã hiện lên trong Sách Diễm Tình Ca ở Bài Đọc 1 hôm nay, như một người tình tuyệt vời duyên dáng dễ thương nhất của Thánh Linh: 

"Tiếng người tôi yêu, đây người đến, nhảy qua núi, băng qua đồi. Người tôi yêu giống như nai rừng, ví tựa hươu con. Ðó, người đứng sau vách nhà chúng tôi, ngó qua cửa sổ, nhìn vào chấn song. Này người tôi yêu nói với tôi: 'Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta! Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến! Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt. Trăm hoa đua nở trên đất chúng ta. Thời cắt tỉa đã đến, tiếng chim gáy véo von trên đất chúng ta. Cây vả sinh trái đầu mùa, vườn nho trổ hoa thơm ngát. Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến! Bồ câu ta trong hốc đá, trong kẹt ghềnh, hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót ở tai ta, vì tiếng mình êm ái, nét mặt mình xinh tươi'". 

"Người tôi yêu" trong Bài Đọc 1 hôm nay đây là ai, nếu không phải là Thánh Linh, Vị Thần Linh không có hình dạng như Chúa Kitô, mà chỉ là Đấng luôn âm thầm kín đáo trong nội tâm của linh hồn, như thể "người đứng sau vách nhà chúng tôi, ngó qua cửa sổ, nhìn vào chấn song".  

Nhưng thật ra Ngài không phải chỉ là một bóng hình hay bóng ma hoang tưởng không có thật, mà là một Vị Thần Linh sinh động, là một linh hứng đầy quyền lực thúc đẩy tác hành: "Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta! Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến! ... Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến!" Và Ngài mong tác động thần linh của Ngài được tâm hồn Ngài tuyển chọn nhiệt liệt hưởng ứng và mau mắn đáp ứng xứng với và trọn vẹn những gì Ngài làm: "Bồ câu ta nấp trong hốc đá, ẩn trong kẹt ghềnh, hãy cho ta thấy mặt nàng, tiếng nàng hãy vang lên thánh thót ở tai ta, vì tiếng nàng thì êm ái, nét mặt nàng lại xinh tươi'". 

Còn ai là người tình lý tưởng của Thánh Linh như Trinh Nữ Nazarét Maria hay bằng Vị Trinh Mẫu Diễm Phúc hơn mọi người nữ Maria trong bài Phúc Âm hôm nay chứ! Mẹ chính là "bồ câu" của Vị Tình Nhân Thánh Linh, nghĩa là Mẹ tràn đầy Thánh Linh, vì "bồ câu" là biểu hiệu cho Thánh Linh (xem Luca 3:22), nhờ Mẹ sống rất khiêm hạ và tuyệt đối tin tưởng vào Ngài, như thể "nấp trong hốc đá, ẩn trong kẹt ghềnh", khiến cho Thánh Linh lại càng say mê Mẹ hơn ai hết và hơn bao giờ hết, đến độ rất mong muốn được "thấy mặt nàng" và được nghe "tiếng nàng". 

Tác động tràn đầy Thánh Linh của Mẹ Maria trong bài Phúc Âm hôm nay khiến Mẹ "chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa..." hoàn toàn bộc lộ cho thấy tâm hồn của Mẹ "hân hoan mừng rỡ trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi" (Luca 1:47), những tâm tình được chất chứa và vang vọng trong Bài Đáp Ca hôm nay: 

1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, và đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.  

2) Ý định của Chúa tồn tại muôn đời; tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.  

3) Linh hồn chúng ta mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng ta. Bởi vậy lòng chúng ta hân hoan trong Chúa, chúng ta tin cậy ở thánh danh Người.  

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
 

Ngay.21-12.mp3 

Ngày 21: 1. Thánh Phêrô Canisiô, linh mục Tiến Sĩ Hội Thánh  

ĐTC Biển Đức XVI: 9/2/2011 – Bài 131 về Thánh Peter Canisius  

ThanhPheroCanisio.mp3 

 https://youtu.be/8DjB_7NfoJk